Good bye Yahoo!
13/6 là ngày Yahoo hoàn tất việc "bán mình", bị đổi tên và trở thành bằng chứng cho thấy những tên tuổi lớn trên Internet cũng có lúc lụi tàn.
Cuối tuần trước, hãng Internet Mỹ lừng danh một thời tuyên bố chính thức về tay nhà mạng Verizon với giá 4,48 tỷ USD sau nhiều trì hoãn. Khi thương vụ sẽ hoàn tất vào ngày 13/6, Verizon sẽ sa thải 2.100 nhân sự của Yahoo, trong khi bà Marissa Mayer cũng sẽ ra đi. Phần còn lại của Yahoo, chủ yếu là cổ phần tại Alibaba và Yahoo Nhật Bản, sẽ được đổi tên thành Altaba.
"Cái chết" của Yahoo đã được đoán trước từ lâu, vì thế thông tin trên không gây nhiều ồn ào. Nhưng dù kết cục có thế nào, Yahoo cũng xứng đáng được tri ân khi là một trong những công ty tiên phong về dịch vụ Internet.
su-ra-di-lang-le-cua-yahoo-cuu-vuong-internet
Yahoo bán mảng dịch vụ cốt lõi cho Verizon và đổi tên thành Altaba.
Yahoo từng được coi là một trong những siêu sao đầu tiên của kỷ nguyên Internet với gần một tỷ người dùng. Ra đời từ năm 1995, nó đóng vai trò như một cổng thông tin tổng hợp từ tìm kiếm, thư điện tử, blog cho đến game, lưu trữ... Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2000, giá trị thị trường của Yahoo lên tới 128 tỷ USD, gấp đôi so với Walt Disney - con số đáng nể với một công ty mới thành lập được 5 năm trên mạng.
Năm 2007, Yahoo có số lượng nhân viên 14.000 người. Nhưng rồi khủng hoảng tài chính bắt đầu diễn ra một năm sau đó.
I Sketch/Facebook
Đã có thời lên Internet là phải có tài khoản Yahoo. Nguồn: I Sketch/Facebook
Thực tế, định mệnh đã an bài khi Yahoo không tìm được hướng đi trong khi Amazon thống lĩnh thương mại điện tử, Google làm mưa làm gió và có ảnh hưởng lớn đến tìm kiếm, xuất bản, truyền thông còn Facebook nắm trong tay một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng.
Trên đà lao dốc, những gương mặt ưu tú nhất cũng không ngăn được cỗ máy Yahoo đi tới cái chết. Jerry Yang, Terry S. Semel, Carol Bartz, Scott Thompson rồi nữ tướng Marissa Mayer lần lượt tiếp quản nhưng cũng đành buông tay để bán cho Verizon. Mayer sẽ ra đi với số tiền 264 triệu USD cho 5 năm cống hiến tại đây.
Một trong những vấn đề của Yahoo là kiếm tiền bằng bán quảng cáo, giống như các trang báo vì họ cho rằng mình là công ty truyền thông, chứ không phải hãng phần mềm. Họ kiếm tiền bằng quảng cáo, trong khi các đối thủ như Microsoft, Google hay Facebook đều có văn hóa chú trọng vào lập trình.
Bài học của Yahoo là không quan trọng bạn lớn mạnh và quyền lực đến đâu, rồi sẽ có lúc mọi thứ phải đi xuống, giống như chuyện đã xảy ra với Motorola, Nokia, General Motors, Kodak, Xerox và hàng loạt hãng từng ngự trên đỉnh cao thế giới khác.
"Thật khó khăn khi chứng khiến một tên tuổi lớn và thành công tại Thung lũng Silicon lại nhận kết cục thế này, nhưng cũng là lời nhắc nhở sâu sắc rằng đây chính là vòng đời tự nhiên của con người và các công ty", Carl Guardino, CEO của Valley Leadership Group, chia sẻ.